NHỮNG NGUY CƠ MỚI CHO ĐỨC TIN

Liên quan tới việc Ki-tô giáo mất ảnh hưởng trong thế giới tục hoá, ngài đã nói tới một nguy cơ đe doạ đức tin rất tinh tế mà tới nay chẳng được mấy ai quan tâm, đó là nền độc tài dư luận. Nền độc tài này chỉ chấp nhận một Ki-tô giáo dễ bảo, chịu thích nghi, không góc cạnh, trong lúc những người sống đức tin thực sự thì bị nó đóng ấn là “bảo căn”, “cứng đầu”.

Tôi tin đó là một mối nguy thực sự. Người ta không truy nã đàn áp ki-tô hữu một cách công khai, làm như vậy thì cổ hũ và quá lỗi thời. Không, người ta tỏ ra rất khoan dung, hoàn toàn cởi mở. Nhưng nơi nào có đức tin hiện diện đích thực, nơi đó họ lại loại trừ và kết án là bảo căn.

Tôi nghĩ có thể xẩy ra trường hợp buộc mình phải chống lại một nền độc tài xem ra khoan dung, nhưng nó lại đồng thời triệt tiêu đức tin bằng cách kết án đức tin thiếu khoan dung. Nghĩa là có một bất khoan dung của những “người khoan dung”. Đức tin không đi tìm mâu thuẫn, nó tìm không gian tự do và nơi chịu đựng nhau. Nhưng nó không thể để cho những công thức tiêu chuẩn của tân tiến sai khiến. Đức tin có một nhiệm vụ cao hơn là trung thành với Chúa và phải sẵn sàng chấp nhận thứ mâu thuẫn mới này.

PHỤC HƯNG TÂM LINH

Ki-tô hữu trẻ đi tìm một tôn giáo đậm cảm giác. Họ muốn quay trở lại thủa ban đầu của Giáo Hội, trở lại cội nguồn của mầu nhiệm, và đòi hỏi phải có một cuộc đổi mới tâm linh, hầu làm sống lại một cách mới mẻ cả những mặt lưu truyền đã bị bỏ quên của Ki-tô giáo. Giáo Hội có cần một cú xốc để tạo lại tiếng nói cho các biểu tượng câm lặng của mình không?

Hẳn nhiên Giáo Hội cần những cuộc lên đường tâm linh sống động. Trong mọi thời, Giáo Hội trân quý tất cả những hình thức làm dấy lên đam mê mới cho đức tin; những phương thức đó không do chính trị khởi xướng, nhưng phải xuất phát từ lòng Giáo Hội. Như ta đã thấy, cuộc đổi mới trong thế kỷ16 không đến từ các định chế, nhưng đã do những con người được cảm hoá và họ đã tạo nên những phong trào mới. Ngày nay, ta cũng nhận ra cuộc đổi mới đó trong nhiều hình thái đa dạng – mà phong trào đặc sủng là một trong những thí dụ. Đây có thể nói là một an ủi mà Chúa đã tặng cho ta; qua các phong trào đó, Chúa chứng tỏ cho ta thấy Thánh Linh vẫn hiện diện và có sức mạnh.

Trên thực tế, Công giáo không bao giờ chỉ được hoạch định và quản trị bằng định chế hay bằng đầu óc hàn lâm. Mà nó luôn hiện diện như là một món quà, như một sinh lực tâm linh. Và món quà đó rất đa dạng. Không có Công giáo đồng phục. Trong Công giáo có đủ kiểu: Focolare, Schönstatt, Cursillo, Thánh linh. v.v. cũng như bên cạnh Phan-sinh còn có Biển-đức, Đa-minh… Trong một chung cư mỗi gia đình sống đạo mỗi khác. Và cái kho tàng trăm hoa năng động đó ta nên duy trì.

Ngày nay, có một chiều hướng đòi đồng phục nơi các đại biểu tân tiến nhất của Công giáo. Họ ngờ vực và đóng ấn phản động lên những gì sinh động và mới, những gì không tuân theo khuôn mẫu hàn lâm hoặc không theo quyết định của các uỷ ban hay của các kì họp hội đồng. Dĩ nhiên luôn có những nguy cơ, những sai lầm, những bất cập v.v. Ông làm vườn Giáo Hội phải luôn cảnh tỉnh sửa sai, nhưng đồng thời cũng phải chấp nhận cái mới sống động đó như là một quà tặng.

Tôi nghĩ, cần có một khoan dung lớn trong nội tình Giáo Hội, để chấp nhận, coi lối sống đa dạng đó như là một cái gì thuộc độ lớn công giáo – để rồi không đơn giản loại bỏ nó, cho dù nó không hợp với khẩu vị mình. Chẳng hạn ở Đức, khi nghe nói đến tu hội “Opus Dei”, hội “Hướng đạo âu châu” hay một cái gì khác, người ta phải tỏ ra bực bội, là vì nếu không thì mình chẳng còn được xem là một tín hữu công giáo tốt nữa! Có những cái không hợp với khẩu vị “bình thường”, hay nói khác đi, không hợp với khẩu vị người “Đức”. Ở đây, mình cần phải bao dung để chấp nhận cái độ lớn công giáo kia.

Hẳn nhiên, những người khác cũng phải sẵn sàng bỏ đi những cá biệt hoặc nguy cơ đóng kín của mình để phục vụ cho toàn thể. Sự hiện diện của ghế giáo chủ hay giám mục cũng là để duy trì cái độ lớn kia, đồng thời để ngăn chặn những đóng kín đưa tới kết bè lập phái và đưa chúng trở về hoà nhập với toàn thể.

ĐIỀU CÓ THẬT.

Thánh An-tịnh chăm lo cho gia sản quý nhất của Giáo Hội, đó là những kẻ nghèo, người goá bụa, trẻ mồ côi. Cuộc sống thay đổi của ngài sau khi vào Ki-tô giáo đã khiến cho những lời ngài nói trở nên khả tín, xác thực và nẩy lửa. Phải chăng gương sống thật của ki-tô hữu có nhiều giá trị trên xã hội hơn là những bài giảng xoa dầu cù là hay những cuộc nghị luận hàn lâm?

Dĩ nhiên đúng là như thế, và đội ơn Chúa, cũng đã có những tấm gương đó. Ở đây tôi nghĩ tới, chẳng hạn, Hồng Y O´Connor ở Nữu-ước đã lập một hội dòng mới để lo cho những người bệnh liệt kháng và chính ngài cũng bỏ ra mỗi tuần một ngày cho công tác này. Tôi cũng nghĩ tới “các chị nhân ái” (Sister of Mercy), một dòng tu mới tại Hoa-kì, chuyên lo việc giáo dục và nhiều công tác phục vụ chữa bệnh khác. Hoặc mẹ Tê-rê-xa ở Calcutta với tu hội của mẹ. Đội ơn Chúa đã có biết bao tấm gương sống niềm tin một cách âm thầm triệt để chứng minh cho cái có thật đó, và những chứng tá cũng đã mang hiệu quả.

Nhà văn người Pháp Georges Bernanos có lần viết: “Thánh là một cuộc phiêu lưu, ngay cả là cuộc phiêu lưu duy nhất có thể có. Có hiểu được điều đó, thì mới đi vào được trái tim đức tin công giáo”.

Trong đức tin, chúng ta nhìn nhận chính Giáo Hội là “thánh”. Điều này không có nghĩa tất cả mọi người trong Giáo Hội đều là thánh. Cũng không phải trong Giáo Hội cái gì cũng tốt cả, nhưng có nghĩa là Giáo Hội đã được Chúa chạm tới và trong đó luôn có thánh xuất hiện. Điều quan trọng ở đây là ta nên quan niệm thánh một cách rộng rãi, bởi vì thánh có muôn hình vạn trạng. Cứ xem những vị đã xuất hiện trước mắt ta, thì sẽ thấy có bao nhiêu là cách thức và loại hình nên thánh. Từ một bác sĩ xả thân phục vụ cho tới những học giả, những người bình thường, những nữ tu và giáo dân, tất cả họ đều sống trong thế giới này.

Cũng có những vị thánh âm thầm, điều này luôn quan trọng đối với tôi, họ là những người bình thường mà tôi đã làm quen lúc còn nhỏ, những cụ già nông dân hiền từ và những bà mẹ hiền lành quên mình cho con cái, cho gia đình, cho Giáo Hội, và cũng luôn hi sinh cho những người khác trong thôn xóm. Không nhất thiết phải là một cái gì anh hùng, nhưng cũng có thể ngay cả cái thật tầm thường, cái khiêm tốn.

Và dĩ nhiên cũng luôn có những khuôn mặt gây rúng động. Ở ý này có linh mục Pi-ô nổi tiếng kinh khủng, nghe nói ngài đồng thời cũng là một linh mục giải tội rất nóng tính. Xưng tội với ngài chẳng thoải mái lắm, nhưng qua khuôn dáng và cung cách ngài, con người cảm thấy như chính Chúa đang nói với họ thật, và nếu cần, thì Chúa cũng cho họ ít roi. Roi vọt nhiều khi không phải là vô bổ. Trong Tin Mừng, ta thấy  Đức Giê-su tỏ ra vừa cứng rắn, vừa rất hiền từ và hay giúp đỡ. Hình ảnh đó, trong thế kỷnày, lại hiện thân qua linh mục Pi-ô. Như vậy, qua những gì hiện ra trước mắt ta, ta biết rằng thánh là có thật và nó giúp ta những lực sống mới. Có những vị thánh khiêm nhường, đơn sơ, không ai viết ra, nhưng quả thật vô cùng quan trọng cho đời sống Giáo Hội.

Luôn có những chuyện không thể lường trước được, bất ngờ xẩy đến làm xoay chuyển cuộc sống. Đặc biệt dễ thấy là sự phục hưng phong trào sùng kính mẹ Maria trên khắp thế giới hiện nay. Ngài có nghĩ rằng mẹ Maria sẽ là cửa ngõ cho hàng triệu người tìm đến Giáo Hội không?

Ta chẳng bao giờ tiên đoán được tình hình sẽ diễn biến như thế nào. Ai chỉ biết ngồi đó dùng thống kê về tình trạng hiện tại ở Âu châu mà hàn lâm ngoại suy về sự sụp đổ của Giáo Hội, người đó chẳng hiểu gì về sự bất lường của lịch sử con người, nói chung – và về lực khởi xướng của Chúa có thể tới bất cứ lúc nào, nói riêng.

Rõ ràng có những đợt sóng mới ít ai ngờ về việc sùng kính đức Mẹ trên thế giới. Nhưng trong đó cũng có một số hình thức hiện ra và sứ điệp giả. Phải rất thận trọng, đừng quá dễ dãi tin ngay đó là những phép lạ.

Nhưng trái lại, cũng đừng quá cứng lòng khiến thực tế có thật không thấm nhập được vào mình. Hãy nghĩ về biến cố ở Lộ-đức, lúc đầu người ta cứ bảo là cô bé kia bày chuyện. Nhưng rồi chính mẹ Maria đã thực sự có ở đó. Chắc chắn chẳng phải vô tình mà ngày nay rất đông người quay trở về với Mẹ, qua đó Ki-tô giáo lại trở nên thân thương và gần gũi với ta, đồng thời nhờ Mẹ mà ta tìm ra được lối vào.

Ta đã nói chuyện về Nam Mĩ, nhờ Guadeloupe mà thổ dân ở đó đã có thể thấy được đạo không phải là của thực dân, song là của Mẹ nhân từ và của Thiên Chúa đã khổ đau vì chúng ta – và Mẹ thật đã trở thành cửa ngõ dẫn tới Đức Ki-tô -, cho tới nay người ta vẫn tin như thế. Cả ngày nay, không riêng gì Nam Mĩ, nhờ qua Mẹ mà một nhân loại kiệt sức vì thế giới kĩ thuật lạnh lẽo và một Ki-tô giáo duy lí và mỏi mệt có thể tìm gặp lại được chính Đức Ki-tô một cách sống động. Ta có quyền mạnh dạn bước vào tương lai với niềm vững tin đó.

Giáo chủ Gio-an XXIII đã có thể nói: “Tôi thuộc về một Giáo Hội sống động và trẻ trung, Giáo Hội đó đang tiếp tục dẫn công trình của mình đi vào tương lai không chút âu lo”. Hồng Y Joseph Ratzinger cũng có thể nói được câu đó?

Có! Tôi có thể vui vẻ nói lên điều đó. Tôi thấy có nhiều cành cây Giáo Hội già cội và đang chết dần, chúng chậm rãi lìa thân, lúc lặng lẽ, lúc ồn ào. Nhưng trên hết tôi thấy sự trẻ trung của Giáo Hội. Tôi đã được gặp bao nhiêu người trẻ, từ khắp mọi miền thế giới, tôi đã được gặp bao nhiêu phong trào mới, thấy được đức tin hân hoan bừng lên trong đó. Và tất cả những kẻ phê bình chỉ trích Giáo Hội – họ luôn có lí của họ - đã chẳng đánh đổ được nỗi hân hoan đó, vì niềm vui nơi Chúa Ki-tô lớn hơn mọi phê bình chỉ trích. Vì vậy, tôi có được một nơi chốn, ở đó tuy có nhiều nỗ lực khó khăn, nhưng lại có nhiều gặp gỡ cho thấy sự trẻ trung của Giáo Hội hơn. Và chúng ta được phép yên tâm tiến vào tương lai, vì Chúa hẳn sẽ không bỏ rơi tương lai.